#Nhagiakim
Dưa ngày Tết rất nhiều, có quả ngon, quả dở. Và những quả-dưa-nhạt-nhách thường được tôi mang đi chấm muối để vị trở nên ngọt và đậm hơn.
Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: "tại sao chấm muối thì dưa lại ngọt nhỉ?"
---
Phải chăng "Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là"?
Chà là là một loại cây phổ biến ở ốc đảo, chúng xếp thành nhiều hàng dài thẳng tắp và là dấu hiệu cho những đoàn lữ hành vượt sa mạc. Và chỉ khi bạn lang thang khắp các đồi cát, sống cùng tiếng gió rít và hơi nóng của sa mạc suốt hàng tháng trời thì mới cảm nhận được hết niềm vui khi thấy chúng.
Cũng giống như cái cách mà chúng ta nếm vị mặn của muối vậy. Vì muối mặn nên ta mới cảm nhận được vị ngọt của những quả-dưa-nhạt-nhách ấy.
---
"Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là"
Đó là một trong những triết lí sống được thể hiện rất rõ và sâu sắc trong tác phẩm Nhà giả kim. Tác phẩm viết về giấc mơ đi tìm kho báu của một anh chăn cừu qua một giọng văn nhẹ nhàng. Không có những trận chiến đẫm máu, cũng không có những cuộc rượt đuổi đầy kịch tích. Anh chăn cừu phiêu bạt qua nhiều vùng đất, anh cứ đến rồi đi, gặp gỡ nhiều người, nếm trải mọi thứ vất vả, lừa dối của cuộc đời. Để rồi cứ qua mỗi chặng, anh lại tự đúc kết cho mình nhiều triết lí sống thật hay ho.
Hành trình của anh khép lại khi anh tìm được kho báu cho chính bản thân anh và đó cũng là lúc tôi tự hỏi lòng mình: "Liệu tôi có dám theo đuổi ước mơ, hay đơn giản là 1 mong muốn chỉ vì mình thích, mình cảm thấy cần phải thực hiện?"
---
Đọc chậm thôi và hãy ngẫm nghĩ từng bước đi của cậu chăn cừu.
Rồi bạn sẽ tự đặt ra cho bản thân mình những câu hỏi.
Có khi thật ngớ ngần như kiểu: "Tại sao dưa hấu chấm muối lại ngọt?".
Cũng có khi thật sâu sắc...đến mức bạn thay đổi cách nhìn nhận thế giới xung quanh và tự dặn lòng "Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ"